cái nhìn thường xoáy vào.. đâu?

nhìn” là một trong những hoạt động đầu tiên và bản năng nhất của con người, thậm chí ngay từ khi ta mới sinh được ra. Ban đầu, và có lẽ là, chỉ đơn giản ta “nhìn“, sau này theo thời gian ta mới biết và hiểu được rằng mình “nhìn” gì và “nhìn” như thế nào.., rồi dần dần cái “nhìn” trở nên phức tạp (và phiền toái) hơn, là khi ta bắt đầu “nhìn” ai và “nhìn” người ấy như thế nào?

vậy là “nhìn“, tưởng bình thường nhưng thực lại là vấn đề.. khó!

trong từ điển tiếng Việt có giải thích về “nhìn“, gồm mấy nghĩa là: 1_chú ý trông, thí dụ “nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”; 2_xem xét, nhận định, thí dụ “nhìn nhận vấn đề một cách khách quan”; 3_trông nom, thí dụ “bận quá chẳng nhìn gì đến con cái”; 4_để mắt tới, thí dụ “không có thì nhờ nhìn tới sách vở”; 5_thừa nhận, thí dụ “bố nó không còn nhìn nó nữa”; 6_trông ra, đối diện với, thí dụ “căn nhà xinh đẹp ấy nhìn ra bờ sông”

vậy thì “nhìn” có (ít nhất là) sáu nghĩa cơ bản mà thoạt xem đã thấy khá phức tạp, nhưng thực tế thì cái sự “nhìn” còn đa nghĩa và rộng mở hơn như thế gấp cả nhiều lần..

ngày trước (và có thể cả ngày nay) trong cách nam giới nhìn nhau, có một từ tiếng lóng thể hiện sự “nhìn“, là “tia” với nghĩa là dò xét, canh chừng_”này, cậu ngồi đây tia ai đấy?”, dần dần “tia” mở rộng hơn và có ý nghĩa tích cực hơn khi phái nam hướng ánh mắt vào phái nữ, lúc ấy “tia” (dò tìm, soi xét) chuyển dần thành “ngắm” (thưởng thức, hưởng thụ), rồi mạnh hơn nữa là “ngắm bắn” (không có đạn, mà là bắn bằng ánh mắt, một tín hiệu ban đầu của tình cảm mà có thể đưa đến kết cục yêu đương hoặc hôn nhân). Tất cả, tổng quan cũng đều nằm trong và xuất phát từ cái sự “nhìn

nhưng nói đến vậy thì “nhìn” vẫn chỉ là vỏ ngoài của một hoạt động gọi chung là “nhìnngắm”, mà thực ra nội dung bên trong của hoạt động ấy mới gây phiền hơn, đó là ta nhìn ai và nhìn gì ở người khác, nhất lại là người khác phái, hay nói cụ thể hơn, là nam giới “nhìn” phụ nữ như thế nào?

theo tổng kết sơ bộ, thì phần lớn (thậm chí là hầu hết) nam giới thường bị hút mắt bởi một (hoặc nhiều) cô gái có khuôn mặt khả ái (tức là xinh) với dáng người cao ráo (tức là có đôi chân dài). Vậy là ban đầu, chàng trai nhìn thấy cô gái hấp dẫn ở khuôn mặt xinh (về chi tiết) và vóc người cao (về toàn thể). Ở giai đoạn tiếp theo, nếu vẫn trong phạm vi còn nhìn thấy nhau, thì chàng trai bắt đầu hoạch định ánh mắt của mình chi tiết hơn, gồm “soi” (soi mói) và “ngắm” (ngắm nghía, thưởng thức)

ở phần “soi” (phần này phiền và hay gây phiền nhất), chàng trai bắt đầu từ mái tóc (dài hay ngắn hoặc làm xoăn) hoặc có thể là đôi môi (mọng, dày, mỏng và đôi khi bởi màu son nữa), đến đây bắt đầu có sự phân hóa về ý thích, sở thích, và thị giác của từng người, có người thích một cô gái với mái tóc dài mềm và mượt bởi sự nữ tính, có người thích tóc ngắn vì nó cá tính, lại có người thích mái tóc dày được làm xoăn bởi nó quyến rũ và gợi tình.., tương tự đối với đôi môi, rồi đến mắt và màu mắt nữa. Có nhiều chi tiết trên khuôn mặt mà đối với một số người này thì đẹp và hấp dẫn, nhưng đối với người khác thì không hẳn là vậy, ví dụ một nốt ruồi ở bên mép chắc hẳn ăn tham, và nếu miệng rộng thì sẽ.. nói rất to, vv.. và vv..

nhưng thực tế thì trong khi phụ nữ nhìn (và đôi khi ngắm) nhau thường bắt đầu từ và chú tâm vào khuôn mặt, thì nam giới lại tham lam hơn thế, khi coi một khuôn mặt (dù xinh đến đâu) cũng chỉ là nơi đỗ tạm thời trước khi ánh mắt hạ dần thấp xuống, và vấn đề bắt đầu rắc rối dần lên

điểm lướt đầu tiên dưới khuôn mặt chính là cổ và bờ vai để rồi sự “soi” dừng lại khá lâu (nếu điều kiện cho phép) ở phần được gọi là bầu ngực, mà thực tế là, có khá nhiều cô gái nhanh nhạy đã mở dần cổ áo xuống sâu hơn, thậm chí là sâu quá, hoặc gần như là mở luôn! Nhưng ở đây có vấn đề, bởi (nhiều) người ước ao rằng nếu giới hạn của cả bộ áo (bên) ngoài lẫn áo (bên) trong của cô gái mà mở rộng hơn nữa, thì sẽ rất.. tuyệt! nhưng cũng có (một vài) người lại nghĩ rằng có lẽ không nên mở mà ngược lại hãy đóng kín, nhưng là mỏng! vậy lại nảy sinh vấn đề mới. Một số (không ít) các cô gái một lần nữa (nhanh nhạy) nắm bắt được thực tế đó đã chưng những bộ áo và váy tính từ mỏng đến siêu mỏng trong khi vẫn “kín cổng cao tường”, trong khi (thậm chí) một số (ít) các cô khác đã áp dụng cùng lúc cả hai biện pháp: mở và mỏng!

ở đây thực tế và sự tò mò rõ ràng đã tương tác với nhau, bởi nếu ngày càng nhiều các cô gái vừa quên trang điểm (vì bận bịu hoặc vừa bất đồng với bạn trai) lại vừa mặc một chiếc áo kín mít với quần dài thẳng đứng, thì các chàng trai chỉ còn cách hút thuốc lá vặt và tập trung tính chuyện chứng khoán và giá cả nhà đất mà thôi, nhưng sự thực đang đi ngược lại, bởi ở hầu hết các thành phố lớn và đường phố lớn (kể cả nhỏ) ngày càng xuất hiện nhiều quán cafe trông ra đường mà ở đó các chàng thoả sức ngắm những cô gái ăn mặc hở, hoặc mặc mỏng, hoặc gộp cả hai!

đàn ông luôn tham và mắt nhìn lâu thì hay mỏi, có nghĩa là (nếu điều kiện còn tiếp tục cho phép thì) cái nhìn sẽ hạ xuống nữa, thường hay lướt qua vòng eo để xuống đôi chân, nếu là dài thì sẽ dừng lâu, nếu không thì ánh mắt quay dần trở lại vị trí cũ, tức là lại lướt qua vòng eo đi lên điểm dừng phần ngực, và có vẻ như đây là nơi cái nhìn (và ngắm) ở lâu hơn cả

vậy là đã rõ, rằng cái nhìn thường xoáy vào.. đâu!  

09.2010

Advertisement

nếu phải ra đi, thì hãy ra đi như thế nào?

nếu người ta thấy hấp dẫn và đến với nhau bởi 1001 lý do thì những lúc không còn may mắn, họ chia tay nhau cũng sẽ bởi chừng ấy vấn đề

nhưng nếu ngày đến với nhau đã từng đẹp và hạnh phúc bao nhiêu, thì khi (không may) phải xa nhau, bạn hãy nghĩ đến từng ngày tháng đã qua ấy, hãy nhớ những quãng thời gian đã từng là tuyệt đẹp, và hãy giữ lại những kỷ niệm mà đã từng là chung của đôi lứa, mà giờ sẽ mãi là của riêng mình

chẳng có cuộc chia tay nào là.. vui cả, nhưng hãy đừng để nó trở nên quá tệ, đừng đánh mất niềm tin, và hãy cố xóa đi những vết thương và nỗi buồn, thậm chí là sự đau đớn, để chỉ giữ lại những ký ức hiền hòa mà thôi

cho dù bạn đã từng gặp và gần nhau ngắn hay dài, thời gian bên nhau có thể chỉ là vài tháng cho đến những lứa đôi đã từng yêu nhau qua nhiều năm, thì chừng ấy thời gian cũng đủ để lại cho cả hai bên thật nhiều, nhiều, nhiều và rất nhiều điều hay, đẹp và những kỷ niệm bằng cả vật chất lẫn tinh thần khó có thể quên đi được

vậy thì hãy giữ lại nhé, cũng đừng mải mê tranh luận hoặc cãi vã, và xin các bạn đừng bao giờ đổ tội cho nhau, bởi luận tội là việc của ngành tòa án, và kết tội cũng là việc của các ông quan tòa. Bạn đã từng yêu, và bạn không còn yêu, đó là những câu chuyện cá nhân của riêng mỗi người, hãy gom những 1001 lý do ấy vào lòng, cũng đừng làm người này dằn vặt người kia và càng không nên tự dằn vặt mình, hãy cùng nhau hướng đến một lý do duy nhất và cũng là một thỏa thuận hợp lý nhất, là cả hai (đã đến lúc) không còn hợp với nhau nữa, không còn muốn có bên nhau nữa, vậy thì phải thôi, và hãy chỉ nghĩ như vậy thôi, bạn nhé

nhưng quả thật, dù có nói vậy, có nghĩ vậy, nhưng nếu bạn bị rơi vào hoàn cảnh không may mắn đó, thì để hướng đến và thực hiện một cuộc chia tay trong hòa bình, dẫu sao cũng vẫn là một thử thách chẳng hề đơn giản

nếu hai bạn còn có thể đối thoại và nói chuyện với nhau được, khi các vấn đề rắc rối còn có thể giải quyết và gói ghém lại được, thì các bạn vẫn còn may mắn để chia tay nhau trong yên lành và êm thấm

thế nhưng trong trường hợp một trong hai bên không còn muốn gặp nữa, hoặc tệ hơn là đơn phương cắt đứt liên lạc để ôm vào mình hàng đống đau buồn và suy nghĩ bi quan, hoặc thậm chí là nghĩ xấu về người còn lại, thì tình hình quả là có phần bi đát

vậy thì bên nào còn có thể chủ động, hãy là bên thiện chí. Mà đã thiện chí thì phải bình tĩnh và cố gắng suy nghĩ khách quan. Hãy cố gắng thuyết phục, tạo thêm cơ hội để có thể gặp và đối thoại với nhau, cho dù là lần cuối hay gần cuối cùng đi chăng nữa, thì một lần gặp gỡ thẳng thắn vẫn còn tốt hơn nhiều nhiều lần ở cách xa nhau mà cãi vã, trách móc, và kết tội lẫn nhau  

nhưng ngay cả khi một hay vài cơ hội cuối cùng vẫn khó hoặc không thể thực hiện được, thì bạn vẫn còn một phương cách nữa, là sử dụng các phương tiện giao tiếp hiện đại, internet, blog, tin nhắn, và thậm chí email, trong những trường hợp như thế này sẽ đặc biệt phát huy tác dụng, cứ dường như người ta phát minh ra những công cụ đó để lường trước cho cái ngày mà những đôi lứa (không còn may mắn) chia tay, thì vẫn còn một chút gì đó để mà nhắn và gửi lại cho nhau, hoặc để giãi bày về mình và về tất cả những gì còn lại chưa kịp nói

và cuối cùng, là khi bạn cần và nên dành một thời gian yên tĩnh, bình tĩnh, để mà nghĩ và gói lại những gì bạn còn và muốn giữ, hoặc ngay cả khi bạn cho là không còn gì nữa, thì bạn vẫn còn lại thời gian, thời gian ấy cho dù là đã đi qua và tới đây bạn sẽ tiếp tục đi nữa, chắc chắn sẽ là của bạn và mãi mãi là của riêng bạn

vậy nên thời gian, ký ức, kỷ niệm, là những gì đáng quí nhất còn lại trong cuộc đời mỗi người, và mãi mãi sẽ là của riêng người ấy, mà thôi

tp.HCM

04.2011

CÔ NÀNG LÝ TRÍ

Một cô nàng đẹp hay một cô nàng thông minh? Các bạn trai thường bị chinh phục bởi ai và thích lựa chọn bạn gái nào giữa hai mẫu ấy? Thông thường, và cũng là mong muốn của đông đảo phái mạnh, là có cả hai trong một, tức là một cô nàng vừa đẹp lại vừa thông minh!

Nhưng thực tế không hẳn lúc nào cũng được như vậy. Đã có không biết bao nhiêu bài báo, show truyền hình, và thực tế cuộc sống nữa, tất cả vừa mầy mò tìm kiếm vừa tự trả lời rằng, thật khó để mà một cô gái trẻ vừa đạt được sự cân bằng giữa Sắc đẹp Hoàn hảo với một Trí tuệ Thông minh..

Thế giới thường hay nghiêng! Mà nghiêng nghiêng lại là bản chất của thế giới này. Cô gái ngày xưa tôi quen có một khuôn mặt dễ ưa và ngoại hình khá hút mắt, nhưng quan trọng hơn là cô ấy có khả năng giao tiếp tốt và giữ vị trí quản lý cấp cao trong một công ty nhân sự lớn. Song song với lịch làm việc kín cả tuần, cô bạn thường bận rộn lập kế hoạch cho những buổi tập Gym và Spa hàng tuần, một chút cafe với bạn bè và vì vậy không còn nhiều thời gian cho một hoặc hai cuộc hẹn hoặc ăn tối lãng mạn với một (hoặc vài) chàng trai mà cô đã (hoặc lỡ) bật đèn xanh nữa

Thật khó để vừa quản lý và cân bằng giữa một công việc toàn thời gian bận bịu, với những khoảng rảnh có nhiều bạn bè xung quanh, rồi thêm vào nữa là những cuộc hẹn hò riêng tư thú vị. Mà những cô nào làm được và tốt hết cả những việc đó, hẳn là một bạn gái thông minh, nhiều lý trí, và có khi kèm thêm cả sự thi vị nữa..

Nhưng những nàng như thế ngày nay hiếm lắm, thường thì một cô đầy lý trí, lại hay khắt khe và khó tính, không phải là đối tượng của vô số các chàng trai ham hố mầy mò và tìm hiểu về tình yêu với những món quà lãng mạn kèm theo. Còn một cô nhiều tình cảm, sẵn sàng cáo ốm mà bỏ một (và vài) cuộc họp ở công ty cuối giờ chiều, để có thêm thời gian trang điểm và chuẩn bị cho một (hoặc những) cuộc hẹn từ đầu giờ tối, đôi khi đầy thi vị và tình cảm, nhưng cuối cùng lại rơi vào những chuyện buồn đẫm nước mắt và bao nỗi giận hờn còn hơn cả vu vơ nữa..

Thực tế trả lời rằng, chỉ một số ít chàng trai thích thử sức và khám phá với một số lượng hạn chế những cô gái sống thiên về lý trí, trong khi phần đông các chàng còn lại, thì say mê và bị cuốn hút bởi số lượng lớn những cô nàng tình cảm, thỉnh thoảng lại khóc và tương đối dễ.. bị buồn

Quả thực, làm quen với một cô nàng lý trí, hoàn toàn không đơn giản. Bởi, bạn phải chấp nhận nép mình vào một góc trong những ngăn đựng thời gian (một phần lớn cho công việc, phần nhỏ dành để làm đẹp và chăm sóc bản thân, một phần nữa cho bạn bè, còn dành cho hò hẹn chỉ là một góc bé xinh xinh) và bạn cũng phải chịu sự xét duyệt của cô ấy. Chẳng hạn phải theo nguyên tắc xếp hàng, như ai đến trước hoặc đặt lịch hẹn sớm nhất, sẽ được xét duyệt trước, hay là nguyên tắc chen ngang, như chàng nào quan trọng và đẹp trai hơn sẽ được ưu tiên duyệt nhanh hơn, hoặc nguyên tắc ngẫu nhiên, như tối nay nàng thấy thích chọn một chàng chân tuy ngắn nhưng lại biết cách nói nhiều, để chàng ấy kể đủ loại chuyện cho mình vừa ăn vừa lơ ngơ.. nghe!

Những cô nàng lý trí, thường sống rất nguyên tắc, như nguyên tắc về sự kiềm chế, rằng nếu bạn tỏ tình quá nhanh hoặc hơi lộ liễu, bạn sẽ phải đối diện với một ánh mắt dò xét, lạnh lùng, và đầy sự kiểm soát, cho đến khi bạn hiểu được một điều gì đó.. thì mới thôi

Những cô nàng lý trí cũng thường trả lời tin nhắn của bạn, rằng “ôi tiếc quá, em có hẹn với các chị bạn cùng công ty đi làm tóc mất rùi, mình gặp nhau dịp khác anh nhé”, đó là khi tin nhắn của bạn đến không đúng lúc, hay bởi bạn chưa hội tụ đủ các yếu tố cần và đủ để thuyết phục cô ấy nhận lời, hoặc đơn giản là lý trí của cô ấy mách rằng “chưa nên đi với chàng này vội, từ từ đã”, vậy là cuộc hẹn của bạn không thành

Cũng có khi đơn giản là cô ấy đang chờ tin nhắn thứ hai, hoặc thứ mười hai, để đưa vào danh mục xem xét, nhưng tiếc là đến cuối giờ chiều hôm đó, chỉ có chưa đầy bốn tin được gửi đến, trong số đó chỉ có một lời mời mà cô vừa từ chối, vậy là cô gái lý trí về nhà đúng giờ, nghỉ ngơi, đọc sách, rồi ngủ sớm

Nhưng lý trí vẫn là lý trí, ngày hôm sau cô ấy sẽ gần như không rút kinh nghiệm, mà vẫn áp dụng gần đúng các nguyên tắc cũ, vậy bạn chỉ còn cách trông chờ số may, hoặc bạn phải vận dụng số lý trí (đôi khi còn kém cỏi) của mình để vượt hơn cô ấy, mạnh hơn cô ấy, và giỏi thuyết phục hơn cô ấy, nhưng không dễ đâu!

Đó là lý do nhiều chàng trai thích những cô gái tình cảm, bởi giàu tình cảm thì hay buồn, mà hay buồn thì cần bạn để chia sẻ, những lúc ấy không gì bằng một bạn trai chân còn dài hơn chân mình, tóc cũng (được làm) đẹp như tóc mình, để chỉ đơn giản là ngồi bên nhau, nắm tay, và ngắm bầu trời sao thoang thoảng gió..

Một cô gái tình cảm thường được bản năng mách bảo, tuy đôi khi không hoàn toàn đúng và hợp lý, rằng chàng trai có đôi tai to kia là biểu hiện của đức độ và lòng nhân từ, vì vậy nếu chàng ấy hẹn mình đi chơi tối, thì cứ vậy mà nhận lời đã, biết đâu lại có một tối vui vui

Một cô gái tình cảm cũng thường không che giấu những cảm xúc mộc mạc và giản dị, ví như nếu bạn bất chợt tặng cô ấy một bông hoa hồng đỏ thắm, đúng giờ nghỉ trưa và dưới trời nắng nóng ngay trước cửa công ty nơi cô vừa bước ra, thì chắc chắn cô gái sẽ hoàn toàn chìm trong xúc động và nhìn bạn với ánh mắt tuyệt vời yêu thương  

Một cô gái tình cảm luôn luôn đáng yêu, bởi sâu bên trong ánh mắt của cô ấy, bạn sẽ thấy chỉ toàn là tình cảm, nếu cô ấy nhìn bạn nhiều hơn 36giây liên tục, chắc chắn bạn sẽ bị thôi miên

Một cô gái tình cảm sẽ rất dễ khóc, hoặc ít ra là rớm rớm nước mắt, hay sẽ thực sự mất tự tin, nếu bạn vừa nắm tay cô ấy quá chặt vừa kéo cô chen thật nhanh qua mấy đám đông trước cửa rạp chiếu phim, bởi khi ấy có thể cô ấy vấp gót giày vào bậc cầu thang, hay không kịp dừng lại tạo dáng, hoặc tệ hơn nữa là bị một gót giày nhọn khác giẫm lên chân

Nhưng những lúc đó, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ, muốn che chở cô ấy, muốn ôm cô ấy trong vòng tay của mình, và nếu xung quanh không quá đông người, bạn sẽ thơm nhanh vào má cô ấy

Đó là gần đủ những lý do để giải thích tại sao, một phần rất lớn các chàng trai thường bị xúc động bởi những cô gái tình cảm, họ dễ thích các cô ấy, và hai bên có đầy can đảm để trao đổi những ánh mắt yêu thương với nhiều cái nắm tay nhau nồng cháy..

Nếu là tôi, tôi cũng (sẽ, và gần như chắc chắn) thích một cô gái tình cảm, đến với tôi vì bản năng mách bảo, bởi tôi có cái đầu tròn và tóc cạo ngắn hơi khác người. Nếu cô ấy suy nghĩ giản dị và chỉ là thích một cái đầu tròn với tóc ngắn, nhưng đôi mắt cô ấy chứa nhiều cảm xúc, thì chắc chắn cô ấy sẽ hạnh phúc

Đơn giản vậy thôi..

câu chuyện hollywood

vunhattan_hollyhood.02

Hollywood là thành phố nhỏ nằm ở phía tây bắc thuộc đại đô thị Los Angeles, cách trung tâm Los khoảng 20km. thành phố xinh xắn với những mái nhà màu trắng nằm rải theo những sườn đồi và bao quanh thung lũng dưới chân núi. Hollywood bắt đầu được biết đến như một trung tâm truyền thông và dịch vụ giải trí kể từ năm 1947 khi tập đoàn Mississippi River KTLA mở trụ sở đầu tiên tại đây

trong những năm 1950s cùng với việc mở rộng đô thị Los Angeles, chính quyền thành phố bắt đầu xây dựng những siêu xa lộ kết nối trung tâm Los với các thành phố vệ tinh trong đó có Hollywood, việc đi lại trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn

năm 1952 hãng truyền thông nổi tiếng mở chi nhánh CBS Television City, mở đường cho hàng loạt các hãng truyền thông và dịch vụ phim ảnh đua nhau lập trụ sở, xây dựng nhà xưởng, và biến khu đô thị vốn nhỏ xinh này dần thành trung tâm điện ảnh chính của toàn nước Mỹ

kể từ năm 1985, hầu hết các bộ phận chính của ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ đã qui tụ ở trong và ngoại vi Hollywood, như biên kịch, biên tập, sản xuất, hậu kỳ, in tráng, kỹ xảo, ánh sáng, âm thanh.., các hãng phim lớn đều mở những trung tâm, studio và xưởng phim của riêng mình tại đây, như Paramount, Warner Bros, RKO, Columbia, CBS, sau này có thêm NBC và Sony Pictures..

từ những năm 1990s, sự phát triển công nghệ song song với việc mở rộng của thị trường phim ảnh đã thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood liên tục mở rộng và tăng cường sản xuất ngày càng đa dạng và nhiều hơn cả về bề rộng lẫn bề sâu_một trung tâm điện ảnh nữa ra đời nằm cách Hollywood hơn 10km và nổi tiếng với tên gọi Universal City, một thành phố-phim trường khổng lồ và hiện đại. Universal City nằm ở cuối đại lộ chính của Hollyhood mang tên Hollywood Blvd (Đại Lộ Danh Vọng) nơi có nhà hát Kodak (hoàn thành năm 2001) hiện trụ sở của các lễ trao giải Oscar hàng năm

khách du lịch có thể đến Hollywood bằng tàu điện ngầm xuất phát từ ga Union Station trung tâm Los Angeles tới điểm dừng Hollywood Highland, ra khỏi tàu điện ngầm bước lên mặt đất, rẽ phải chỉ vài chục bước chân là bạn đã đi bộ trên Hollywood Blvd_Đại lộ Danh vọng nổi tiếng với chữ ký và dấu tay của hàng ngàn đạo diễn, diễn viên và các ngôi sao nổi tiếng thế giới

thực thà mà nói, đại lộ này dài nhưng không lớn, cũng không có nhà cao tầng, vỉa hè nơi in chữ ký của những người nổi tiếng lại lồi lõm với nhiều phần tróc lở, và vì đây là trung tâm của khách du lịch tứ phương nên còn nhiều rác và hơi kém sạch sẽ, nếu so với các phần khác của Hollywood hoặc với trung tâm Los Angeles

đi thêm vài chục bước chân nữa là bạn đã đứng trước cổng lớn của Nhà hát Kodak nơi diễn ra lễ trao giải Oscar hàng năm, từ cổng chính đi theo hai làn đường chỉ dẫn lên tầng trên nơi tập trung khá đông khách du lịch, phần lớn là người Nhật Bản đang tò mò đứng giơ ngón tay chụp hình trước cửa vào của nhà hát, mà ít ai để ý đến hai làn dẫn đường ngay dưới chân mình là nơi ghi lại những đoạn hồi ký ngắn của các đạo diễn, diễn viên và siêu sao nổi tiếng kể lại câu chuyện của mình làm sao để đến được tới Hollywood và để được ghi tên lên nền vỉa hè của đại lộ nơi hàng vạn người dẫm chân qua lại hàng ngày

những dòng tâm sự rất ngắn nhưng cô đọng và xúc động, như có người đã từng học hỏi, làm việc, đấu tranh, sáng tạo.. trong hàng chục năm trời để cuối cùng đến được với Hollywood, có người tin tưởng rằng mình sinh ra là để dành cho điện ảnh và rồi theo đuổi đến cuối con đường, có người nhớ lại những mơ ước tuổi thơ của mình và cảm động ra sao khi lần đầu tiên được vinh danh trong lễ trao giải ở nhà hát Kodak, có người từng bị vùi dập, bị đuổi khỏi xưởng phim, có người chịu mất cả căn nhà lẫn gia đình.. để rồi đạt được thành công danh giá.., bạn cứ vừa đi vừa đọc dọc theo dòng dẫn đường đó sẽ tới cuối con đường sát bên cửa vào nhà hát Kodak, nơi nhìn thấy dòng chữ màu trắng Hollywood gắn trên sườn đồi xa xa, và trước mắt bạn là một chiếc giường rất lớn màu vàng sáng rực dưới ánh nắng mặt trời giữa trưa hè California, nơi vô số khách du lịch đang xếp hàng chờ đến lượt được ngồi lên chiếc giường để chụp ảnh..

phần lớn du khách cũng chỉ mải chụp ảnh, mà ít ai trong số đó để ý rằng, ở cuối con đường danh giá nơi dẫn đến cửa vào Oscar, nơi tầm mắt nhìn thẳng ra hàng chữ Holllywood xa xăm đầy quyền năng, lại là một chiếc giường to tướng, mà đối với một số người, con đường đển Hollyhood đôi khi chỉ là nghỉ đêm trên một chiếc giường vậy thôi..

VũNhật Tân

Los Angeles [24.04.2010]

âm nhạc, âm thanh, tiếng động.. và một vài suy nghĩ

tuần trước, nhân chuyến công tác tại tp.HCM, tôi có cafe với mấy người bạn làm bên ngành báo chí, quán Highlands (Cao nguyên) sang trọng nằm ở góc đường Đồng Khởi nhìn xế sang Nhà thờ Đức Bà, dưới tán ô che nắng vừa ngắm cảnh khôn, người đẹp, vừa thưởng thức.. tiếng ồn bởi dòng xe cộ chạy đều đều dưới phố. Các bạn tôi rục rịch chuyển vào phía trong nhà cách khỏi đường bởi những tấm kính lớn, máy lạnh, tiếng nhạc dịu dàng, “ồ, đã thật, vừa mát mẻ, vừa nhẹ nhàng, vừa êm ái”, cô bạn ngồi bên quay sang thắc mắc “xin phép cho vặn vẹo một câu nhé, vậy âm nhạc mình đang nghe đây với tiếng ồn ào ngoài đường kia có cùng bản chất không nhỉ?”

từ điển bách khoa trực tuyến wikipedia phần tiếng Anh định nghĩa về âm nhạc (music), là “..một hình thức biểu đạt nằm trong và dựa vào thời gian, sử dụng cấu trúc, sự chuyển động và tương tác giữa các âm với những khoảng im lặng, tạo nên những hình thái bố cục đa dạng trong thời gian thông qua các tổ hợp âm thanh định hình, không định hình, hoặc đang chuyển động.., tùy theo mỗi nền văn hóa và hoàn cảnh cụ thể, âm nhạc có thể mang những ý nghĩa (và được định nghĩa) ở các sắc thái khác nhau..”

trong một trình diễn âm thanh tại Hội Đồng Anh hanoi đầu năm 2005, tôi đã sử dụng máy tính xách tay với những phần mềm làm nhạc chuyên dụng kết hợp hệ thống bàn trộn (mixer) để dồn một số mẫu (sample) nhạc, âm thanh, tiếng ồn thành những tuyến (lines) chạy song song nhau. Cuối chương trình, trong phần Hỏi&Đáp, một vài khán giả đã chất vấn, rằng “anh đã làm cái mà, theo chúng tôi vừa được nghe, không phải là âm nhạc, chẳng phải tiếng ồn, gần như một đám âm thanh rối.., vậy theo anh, có thể gọi nó là gì?”. Tôi đã trả lời rằng có thể gọi là âm nhạc, cũng có thể gọi là âm thanh, hoặc gộp chung thành âm nhạc/âm thanh đều được, vì trong chương trình, tôi đã sử dụng 6 kênh tiếng, trong đó có 3 kênh nhạc, 2 kênh âm thanh điện tử, 1 kênh tiếng động thu âm từ tiếng ồn ào đến giọng rao hàng ngoài phố, với sự trợ giúp của bàn trộn và máy tính, tôi đã đẩy âm nhạc sang hướng âm thanh, đưa âm thanh lại gần âm nhạc, và trộn lẫn chúng với nhau nữa

từ những thập niên 1970s, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Mỹ, John Cage, người đi đầu trong việc (sáng) tạo ra âm thanh từ các nhạc cụ thuộc dàn nhạc giao hưởng cổ điển, và ngược lại, tạo (ra) âm nhạc từ những dụng cụ (đồ vật, vật dụng) không phải là nhạc cụ. Ông đã từng viết trong tập Owen xuất bản năm 2000, rằng “không có tiếng ồn (tiếng động), chỉ có âm thanh”, và “tất cả những âm thanh mà tai chúng ta nghe được, đều là âm nhạc!”. Trước đó, từ đầu thập niên 1960s, Cage đã công bố tác phẩm nổi tiếng 4’33” không hề có âm thanh, không một nốt nhạc, mà là sự im lặng. Thông qua tác phẩm này, ông muốn (không phải công bố mà là) khẳng định lại, rằng “sự im lặng, những khoảng lặng, là một phần (quan trọng) trong âm nhạc”

trong hầu hết các từ điển âm nhạc ngày nay, từ “music” đều được định nghĩa là “thuộc về nghệ thuật của thời gian, sử dụng và nằm trong thời gian, là sự tương tác giữa những âm thanh và các khoảng lặng..”

trên thế giới ngày nay, giới làm nhạc (cả chuyên và không chuyên) hầu như đã đồng ý với nhau rằng, không có khoảng cách (và sự phân biệt) giữa âm nhạc và âm thanh, âm nhạc có thể là âm thanh và ngược lại, hoặc là cả hai, tùy vào mục đích sử dụng, hoàn cảnh, và tùy quan niệm cá nhân nữa

vậy còn tiếng động, vẫn tra trong từ điển trực tuyến wikipedia, thì “tiếng động là những âm thanh không mong muốn, gây ồn, và nằm ngoài khả năng kiểm soát..”, một định nghĩa thú vị và.. dễ hiểu, bởi theo đó thì “tiếng ồn” cũng là một dạng (và thuộc về) âm thanh, nhưng là thứ âm thanh ta không mong muốn và không kiểm soát được. Tiếng ồn ào ngoài phố không mấy khi đem lại cảm giác dễ chịu như khi được nghe âm thanh mềm mại của một bản giao hưởng cổ điển, nhưng cũng tùy, ví như khi tôi đang cần thu âm sự ồn ào đường phố về nhào nặn trong một tác phẩm mới, thì tiếng ồn ấy lại có ích và đôi khi, còn hay nữa. Nhưng vào đêm đã khuya, nhu cầu ngủ dưỡng sức đã gần kề, mà lại phải nghe tiếng nhạc của một bản giao hưởng mạnh mẽ phát ra từ hệ thống loa loại tốt của anh hàng xóm, thì quả thật là một thứ.. tiếng ồn (không mong muốn và) phiền toái..

giới làm nhạc trong nước hiện nay đang rất lúng túng về.. âm nhạc. Một thực tế là hội nhạc sĩ ViệtNam với hơn một ngàn hội viên, mà phần (rất) lớn trong số đó chỉ (có thể) viết được bài hát, ta quen gọi là ca khúc. Đối với họ, âm nhạc giao hưởng là thứ hàng xa xỉ, xa lạ, và.. chẳng để làm gì. Thử dạo quanh vài kênh TV và radio mà xem, chiếm tới hơn chín mươi chín phẩy bốn số chín phần trăm tiếp theo là ca khúc, rồi thị trường băng đĩa nhạc cũng vậy, cũng chỉ toàn ca khúc và các kiểu “liveshow”, trong khi báo chí thì còn.. tệ hơn thế, quanh năm ngày tháng bỏ công sức giấy mực cũng chỉ để lăng xê các “sao” thuộc thị trường ca nhạc phổ thông

ở ta đã bao giờ có được một kênh (TV hoặc radio) dành riêng cho âm nhạc giao hưởng thính phòng, hoặc cần thiết hơn nữa, là dành phần đặc biệt cho vốn âm nhạc cổ truyền của chính chúng ta đang mất dần mất mòn hàng ngày, và có bao nhiêu dự án bảo tồn âm nhạc cổ truyền vẫn chỉ nằm trên giấy..

phần (rất) lớn giới làm nhạc mê mải chạy theo ca khúc thị trường như vậy, hệ thống thông tin đại chúng thì bỏ công tung hô một chiều cuốn công chúng theo như thế, thì cái sáng tạo, cái tìm tòi, cái mới, và sự bảo tồn nữa, còn đứng vào chỗ nào? nằm ở đâu trong cái gọi là “nền âm nhạc” nước nhà?

nếu có viết về âm nhạc giao hưởng, xa hơn là âm nhạc đương đại, và rộng hơn là về âm thanh và tiếng động, thì cũng chỉ để bàn cho vui..mà thôi!

06.2006

tiếng pháo Tết..

mấy ngày cuối năm 2000, miền tây nước Đức thời tiết giá lạnh, băng và tuyết phủ trắng trời. Thấm thoắt đã quá nửa thời gian tu nghiệp tại Đại học Âm nhạc thành phố Cologne, cũng là lần đầu tiên tôi được biết mùa đông ở Châu Âu

qua lễ noel, đường phố vắng dần, quán xá cũng vắng, không gian&thời gian như dừng lại, mọi người quay về nhà tụ tập trong gia đình và quanh chiếc bàn ăn ấm áp bên lò sưởi. Một vài kẻ cô đơn hoặc gắng tìm đến nhau, hoặc chuồn đến vùng nhiệt đới xa xôi nào đó nơi người ta không biết họ là ai, trốn vào một quán bar nhỏ xíu với cốc bia và buôn chuyện với một vài kẻ nữa (có lẽ cũng) cô đơn vừa tạt vào quán, cho đến khi (chợt) nhận ra: ồ, đã sang năm mới!

dân du học chúng tôi lại là dạng (cô đơn) đặc biệt, vì lúc lên máy bay sang đây (thường thì) ai cũng chỉ (được phép) mang theo một vali nhỏ với dăm cuốn sách, vài đồ tư trang, cái đồng hồ đeo tay, và cuốn sổ tay xinh xắn..

trưa 30 tháng 12 năm 2000 tôi đi bộ ra nhà ga trung tâm rồi chui vào chuyến tàu đến thành phố Koblenz nhỏ xíu bên sườn núi miền tây nước Đức, dọc đường đi tuyết rơi trắng xóa, đến nơi thì trời đã ngả chiều tối sẫm, ra khỏi nhà ga là giẫm ngay lên mặt băng vừa cứng vừa trơn và trong suốt. Chiếc ôtô màu đỏ đậm của cậu bạn đã đợi sẵn, bên trong xe ấm áp văng vẳng tiếng đàn piano: “chúc mừng (sắp đến) năm mới”, bạn tôi vừa nói vừa giảm volume nhạc và bật máy sưởi mạnh lên: “nếu cậu không mệt vì chuyến tàu xa thì mình qua nhà Uyên luôn nhé, mọi người đã đợi ở đó rồi”

cô bạn Uyên sống trên tầng áp mái nhìn ra ven đồi, sàn và tường bằng gỗ rộng nhưng trần thấp, những khung cửa sổ bé phủ đầy tuyết: “welcome to căn phòng “gỗ thông”, cái bàn to kia có nhiều loại trà nóng, bọn mình đang chuẩn bị một kế hoạch thú vị, sẽ đón năm mới tại thủ đô Amsterdam”

suốt đêm đó, trên tuyến đường qua biên giới Hà Lan đến Amsterdam, tôi cố đoán xem kế hoạch gì đang chờ mình ở thành phố tươi đẹp mà trong tưởng tượng của tôi, là cả ngàn thảm hoa tulip trải dọc theo bờ những con kênh xinh xắn

Amsterdam là thành phố đa ngôn ngữ, tiếng Hà Lan, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, Hoa, Thái, và tiếng Việt.. cùng nhau tồn tại. Chiều 31 tháng 12, trời rét đậm và mờ đi vì tuyết, cả nhóm vào một quán nhỏ trong khu phố Tàu hẹp, đường dốc lát đá. Gần 19h, mọi người trong nhà bê ra những phong giấy dài, nặng trĩu, màu hồng và đỏ, tôi ồ lên “ôi, pháo Tết!”, những bánh pháo to tướng được trải ra sàn rồi nối lại với nhau dài hàng mét. “Tân ngó ra ngoài đi”, Uyên quay sang tôi, “nhiều nhà hàng xóm đã chuẩn bị rồi đấy”. Khu phố bé xíu lượn dốc hồng rực lên vì màu pháo, những băng pháo được thả từ nóc nhà xuống chạm đất, gắn giấy trang kim đỏ sẫm, tuyết vẫn đang rơi, từng dòng người đi bộ đông kín. “Không chỉ Amsterdam, hầu hết các thành phố ở Châu Âu đều cho phép đốt pháo vào khoảng khắc cuối cùng từ năm cũ sang năm mới”, Uyên nói khẽ, “khoảng khắc ấy sắp đến rồi đấy..”

bắt đầu từ 23h30 thành phố đã lác đác tiếng pháo, trẻ em trong khu phố Tàu cầm những que dài đầu kia gắn banh pháo tét nhỏ xíu chờ bố mẹ châm ngòi, tiếng pháo rộ dần lên từ 23h45 rồi oà rộng đúng giao thừa, không chỉ người gốc Á mà cả người Âu cũng đốt pháo, pháo băng dài, pháo nổ, pháo bông, pháo hoa, pháo sáng.. rực rỡ khắp nơi. Dưới trời tuyết, thành phố hồng rực lên, mọi người mở champagne, ào nắm tay nhau..; tôi nhòa nước mắt, phần vì hòa trong tiếng pháo, khói pháo, mùi thuốc pháo cay xè, vừa vì cảm giác nhớ nhà, nhớ những năm tháng trẻ con hồi hộp đốt pháo giao thừa, rồi cuống quýt vừa chạy vừa bịt tai khi pháo nổ gấp, vị thuốc pháo thơm nồng cay mắt, xác pháo hồng trải khắp sân..

3h30 sáng mồng Một, cả nhóm đã thấm tuyết và ngấm mệt rẽ vào quán cafe đông chật se mùi khói pháo, tôi tìm được một computer nối mạng còn trống trong lúc mọi người vẫn mải miết rót rượu vang. Tết chưa tan, trời chưa sáng, băng phủ dầy dần bậc cửa, những dòng đầu tiên tôi đã gửi về nhà: “con chúc bố mẹ một năm mới thật mạnh khoẻ.., con vừa đón giao thừa trong tiếng pháo, xác pháo hồng, vị thuốc pháo nồng.., như những ngày Tết xưa ở Hanoi, con cầm banh pháo tét vừa lẹt tẹt vừa chạy quanh nhà mình vậy..”

“giao thừa” ở Amsterdam tan lúc 5h sáng..

vunhat tan

mobile 0913528586

vunhattan@yahoo.com              

 

thói quen

quê nội tôi ở Hải Phòng, gọi là thành phố cảng nhưng chẳng bao giờ tôi nhìn thấy sóng biển, những con tàu lớn thì thả neo ở tít tận xa, chỉ có vài cái tàu nhỏ lội ngược sông vào sát bờ thành phố và thường mang về những bộ giàn máy xem phim nghe nhạc loại cũ chất lượng phập phù, khi thì rất tốt, khi thì cực dở, giá bán rẻ, nhờ vậy mà vào cái thời cuối bao cấp cách đây trên chục năm, nhiều người đã tậu về nhà nguyên bộ máy nghe nhạc có hai ống quay băng cối kèm đôi loa to tướng, cứ chiều chiều lại bật nhạc cho rung cả nhà mình lẫn nhà hàng xóm…

mấy tháng trước, một anh bạn cũ nguyên là dân buôn phụ tùng xe máy thường xuyên phải ghé đất cảng để nhập và xuất hàng, chợt thấy tôi đang vội lao xe ngang phố liền rút điện thoại gọi: “ông dừng lại, quay đầu xe, đi ngược vài chục mét, tôi đang ngồi ở hàng nước trà vỉa hè”. “Ông này”, anh bạn hỏi tôi: “ông có biết dân chơi nhạc không?”. “Tất nhiên là có”, tôi cười, “các nhạc công trong dàn nhạc giao hưởng ấy à, họ chơi nhạc cũng tốt, nhưng chắc vì lương thấp quá nên dạo này có vẻ ít tập đàn và ít thấy biểu diễn…”. Anh bạn biết tôi không hiểu rồi trả lời sai câu hỏi nhưng cũng lờ đi, chỉ nói khẽ: “chiều mai ông xuống Hải Phòng với tôi nhé”

thành phố đang xây dựng rất nhiều, vào cái ngõ hẹp gần đường Lạch Tray, một ngôi nhà hai tầng cũ đầy rêu, cả bốn bức tường chồng chất hàng đống máy móc và thiết bị nghe nhạc, chú chủ nhà gầy gò nhìn hiền lành mời tôi chén nước trà nguội rồi với tay bật công tắc dàn băng cối đời cũ, tiếng guitar cổ điển vang nhè nhẹ từ đôi loa thùng bằng gỗ vừa to vừa cao như hai cái tủ con: “chú chơi bộ dàn này lâu rồi nên nghiện âm thanh của nó, nhưng càng ngày băng cối càng hiếm và khó tìm, lại thêm thời tiết nóng ẩm để lâu bị mốc nữa, chắc rồi cũng phải chuyển sang chơi đĩa than thôi”, chú chủ nhà tợp hụm nước trà: “cái anh đĩa than vậy mà hay, bị mốc bẩn chỉ cần thả vào chậu rửa xà phòng là xong, chỉ có điều là…”, “gì vậy chú?”, tôi tò mò, “à, là phải thay thói quen nghe nhạc kèm tiếng xì của băng cối sang tiếng lạo xạo của đĩa than..”

tôi thì hay tự nhận mình là dân làm âm nhạc chuyên nghiệp, lại quen thói “kinh viện” từ hồi còn đi học, nay mới từ từ nạp thêm một lối nghe (nhạc) rất khác ở những người “chơi nhạc” (chứ không phải là nhạc công chơi trong dàn nhạc), là: đã sành nhạc, ngấm nhạc, thì cũng thích luôn cả tiếng xì trong băng cối đến tiếng lạo xạo của đĩa than, tuy đó chỉ là âm thanh, nhưng khi được trộn lẫn với âm nhạc, được phát ra từ bộ thiết bị nghe yêu thích, và không thể chối bỏ nó được, thì sẽ biết cách chấp nhận nó, quen với nó, rồi “nghiện” nó…

“thay đổi một thói quen không dễ đâu cháu à”, chú chủ nhà chỉ vào góc phòng nơi bốn bộ đọc đĩa than vừa to vừa nặng xếp lần lượt lên cái giá cao bằng sắt: “chú đang vừa tuyển từng “thằng” (đầu đọc đĩa than) vừa làm quen dần với tiếng lạo xạo của nó, mỗi cái đầu kim đặt lên mặt đĩa lại phát một loại tiếng lạo xạo khác nhau…”

tôi ngồi lặng, thời gian trong nhà như đã dừng lại từ lâu. Một người nghe nhạc, quen nhạc, rồi mê nhạc đến mức thích cả những âm thanh phụ (vốn bị coi là tạp âm ngoài nhạc), quả là hiếm…  

07.2005    

có phải âm nhạc là đi từ trái tim đến trái tim?

có một câu chuyện xưa kể về chú ếch ngồi dưới đáy giếng nhìn thấy bầu trời xanh trên đầu mình nhỏ xíu, nên kết luận rằng bầu trời thì nhỏ bé chẳng to hơn cái miệng giếng là bao nhiêu. Một chuyện ngụ ngôn khác thì nói rằng có mấy ông thầy bói mù rủ nhau xem voi, mỗi ông (đều không nhìn thấy toàn thể) chỉ sờ được một bộ phận của con voi rồi đoán mò theo cảm nhận trực tiếp của mình, thành ra con voi (theo cách cảm nhận của mỗi ông) rất khác nhau…; đã là người ViệtNam, ai cũng biết những câu chuyện dân gian này

trong một thế giới mở rộng cho sự giao thoa văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng, đã và đang hàng ngày hàng giờ đem đến khối lượng và chất lượng thông tin vô cùng lớn, những ai không có (hoặc không muốn có) thời gian để cập nhật thông tin về chuyên ngành của mình, về sự thay đổi nhanh chóng, sự chuyển động liên tục của con người, tâm lý, quan niệm, và nghệ thuật… thì rất nhanh chóng tự mình để mình rơi vào tình trạng của mấy ông thầy bói mù đi xem voi kia thôi..

âm nhạc là một môn nghệ thuật, điều này ai cũng rõ, nhưng rất ít người biết rõ rằng nghệ thuật âm nhạc là một lĩnh vực rất rộng, đa dạng, và chia thành nhiều chuyên ngành nhỏ khác nhau

nếu nói rằng một bài hát (ở ta quen gọi là “ca khúc” theo tiếng Hán Việt) được viết ra từ trái tim rồi đi thẳng đến trái tim, thì có thể đúng, nhưng nếu nói một tác phẩm âm nhạc không lời (soạn cho dàn nhạc giao hưởng chẳng hạn) hay một tác phẩm thuộc hình thái âm nhạc thể nghiệm (experimental music) cũng được soạn ra từ trái tim rồi cũng đi thẳng đến trái tim… thì tôi hơi ngại, nếu không muốn nói là cách suy nghĩ như vậy e rằng chưa đầy đủ, hẹp hòi quá, và rất phiến diện

ngoại trừ bài hát thuộc loại phổ thông mà ta quen gọi là nhạc Pop (viết tắt của popular music, nhiều nơi gọi là nhạc dễ nghe – easy listening music) thì hầu hết các loại âm nhạc hiện có trên khắp mọi nơi trên thế giới này, đều không hề “dễ nghe” (nếu đem ra so sánh với tiêu chí “đi thẳng vào trái tim”), lấy ví dụ: âm nhạc cổ truyền Việt Nam có biết bao nhiêu loại, rồi ca trù, chèo, nhạc cung đình Huế, hòa tấu nhạc tài tử… có dễ nghe không và có đi được vào trái tim của phần lớn các bạn trẻ và ngay cả với công chúng nói chung không? hay cũng chỉ tồn tại ở trong một phạm vi nhỏ hẹp, thua xa và bị nhạc pop (ca khúc nhạc trẻ) lấn át ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng của âm nhạc truyền thống còn bị chèn ép như thể, ít công chúng như thế, thì tình trạng của dòng nhạc giao hưởng thính phòng, xa hơn nữa là âm nhạc đương đại/thể nghiệm… còn thê thảm đến mức nào?

có nên quan niệm rằng âm nhạc cứ phải đi từ trái tim đến trái tim mà quên mất rằng âm nhạc (và bất kỳ môn nghệ thuật nào) còn có phần trí tuệ nữa chứ. Tôi nói rằng âm nhạc của tôi được soạn bởi 50% lý trí và 50% cảm xúc, bởi vậy khó mà đem ra để nghe giải trí đơn thuần được. Âm nhạc ấy hỗ trợ cả khối óc lẫn con tim, và đó chính là tôi, âm nhạc của tôi chính là con người tôi

có nhiều người nói rằng âm nhạc của tôi là “lập dị”, và “đi theo lối mòn của thế giới”…; tôi trân trọng tiếp thu rất vui vẻ, vì tôi đã và đang tìm đến những hướng mới trong nghệ thuật âm nhạc, mà cái gì mới thì nghĩa là chưa có ai làm, mà chưa có ai làm thì tất bị coi là lập dị, và tôi tiếp thu/cập nhật những thông tin mới, thành quả mới, chuyển dữ liệu vào trong bộ xử lý của mình, từ đó tạo ra sản phẩm phù hợp với tôi, mang cá tính của tôi, mang tinh thần cuộc sống nơi tôi đang sống, việc làm đó sao gọi là “đi theo lối mòn”?

vậy người nghe (khán giả) nên có thái độ như thể nào đối với âm nhạc đương đại?

tôi chép lại đoạn kết trích từ bài viết trước của tôi đã đăng trên GiaiĐiệuXanh:    

“tại sao lại ít người thích và thông cảm được với âm nhạc đương đại?

theo chuẩn mực cổ điển và theo thói quen nghe nhạc của đại bộ phận, thì âm nhạc luôn gắn liền với giai điệu đẹp, hòa âm du dương, tiết tấu nhịp nhàng, không gian trong sáng…, nhưng với âm nhạc đương đại, thì tất cả những yếu tố trên đã ít nhiều (thậm chí hoàn toàn) bị thay thế, thay đổi, và biến đổi sang những dạng thức khác, quan niệm khác, cách tư duy khác, cách diễn tả khác… do vậy đòi hỏi ở người nghe một cách thẩm âm khác, cách thưởng thức khác, và cách tiếp cận khác

cũng khó mà kể (mô tả) được rằng “âm nhạc đương đại” thì khác như thế nào, vì âm nhạc thì chẳng thể kể (mô tả) được bằng lời, chỉ biết rằng, nếu ta có dịp nghe một bản nhạc (đương đại) mà không thấy giai điệu (đẹp) đâu, thì hãy kiên nhẫn chút, đừng nói nó không hay vì không có giai điệu (đẹp); nếu ta có dịp nghe một bản nhạc (đương đại) mà không thấy hòa âm (du dương) đâu, thì hãy kiên nhẫn chút, đừng nói nó không hay vì không có hòa âm (du dương)… và…

một anh bạn tôi làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong một dịp cafe cuối ngày mệt nhọc, có nói nhỏ với tôi rằng: “nó (công nghệ thông tin) thay đổi nhanh và nhiều quá, chuyện (công nghệ) hôm qua còn mới, hôm nay đã lỗi thời; chuyện (công nghệ) năm ngoái nghe nghĩ là viễn tưởng, vậy mà năm nay đã là hiện thực; chuyện (công nghệ) cách đây vài năm nghe thấy kỳ quặc, khó hiểu, vậy mà nay mai sắp được đem ra ứng dụng đến nơi rồi…, vậy thì những gì còn mới đối với mình, còn khó tiếp cận đối với mình, còn khó hiểu đối với mình, nên đừng chê bai, đừng ngăn cản nó; nếu không thể mở lòng tiếp nhận, thì cũng có chút tâm mà nghĩ rằng “đó là một điều gì khác khác, thôi thì cứ “đóng gói (nó)” lại rồi khi có thời gian sẽ tìm hiểu (hoặc lãng quên) sau”; anh bạn tôi rút điếu thuốc, chưa châm lửa, lại quay sang tôi lần nữa: “nếu ở ta có được nhiều người nghĩ như vậy, thì… tuyệt quá!”          

vunhat tan

08.2005

cuối năm, lại viết về nhạc..

mấy ngày rét cuối năm, giáp Tết, khi mọi người đang vất vả bận căng lên với công việc, vừa lo chạy cho xong công nợ, vừa lo thu xếp cho gọn đống sổ sách giấy tờ, thì tôi (quả là) may mắn lại “có” được khoảng thời gian nghỉ ở nhà, vùi đầu đọc sách, xem mạng (internet), rồi tìm kiếm và chắt lọc thông tin..

những ý tưởng về việc phát triển một hệ thống mạng truyền tải ngang hàng (peer-to-peer, gọi tắt là P2P) song song với (và tiến tới thay thế) hạ tầng internet vốn đang phổ biến hiện nay nhưng ngày càng bị coi là lỗi thời, vừa kém tương thích, vừa chậm chạp và không an toàn; các dự án nâng cấp và chuyển toàn bộ “sơ đồ internet” lên thế hệ thứ hai vừa rộng vừa mạnh hơn; cho tới quá trình hoàn thiện và sản xuất hàng loạt máy tính multimedia (đa phương tiện) sử dụng lõi kép trên nền tảng phần cứng và phần mềm mới nhằm đáp ứng và hướng nhu cầu người dùng lên mức cao hơn, tiện dụng hơn, và đa dạng hơn

hệ thống P2P là một cấu trúc tuyệt vời cho phép truyền tải và chia sẻ thông tin trữ lượng lớn trực tiếp và nhanh chóng giữa các máy tính nối thông nhau qua giao thức internet thế hệ mới, thay cho cách đẩy dữ liệu đến máy chủ (serve) buộc người dùng phải mất công tải về. Một trong những ứng dụng phổ biến của P2P là việc chia sẻ các files âm nhạc giữa các máy tính cá nhân với nhau – nhạc số (digital music, tín hiệu âm nhạc được số hóa, lưu trữ trong máy tính, rồi chia thành từng “gói” khi truyền đi hay tải về). Mặc dù bị than phiền, thậm chí bị kiện tụng vì tội “tiếp tay” cho những kẻ vi phạm bản quyền âm nhạc, ở khắp nơi trên thế giới, P2P vẫn là hệ thống được sử dụng phổ biến nhất trong việc chia sẻ, phân phối các tác phẩm âm nhạc và dữ liệu âm thanh (audio file)

ở Vietnam, những dân chơi âm thanh và Dj có lẽ đã từng vào diễn đàn /www.ttvnol.com/ nơi có chuyên mục “Nhạc điện tử&Dj”, cập nhật khá nhiều thông tin về những hoạt động âm nhạc số (digital music) cả ở trong lẫn ngoài nước, những tin tức, hình ảnh và âm thanh ở dạng mẫu (sample) luôn được bổ xung và xử lý ngắn gọn, gần với người đọc. Tiếc là còn chưa có nhiều những diễn đàn hay và sâu như vậy, trong khi hầu hết các tạp chí (chuyên về và có liên quan đến) âm nhạc chỉ dừng ở mức đưa tin thị trường và tệ hơn nữa là tò mò vào đời sống riêng tư của một vài ca sĩ, nhạc sĩ mà họ cho là “sao”, rồi tung “sao” lên hay hạ “sao” xuống tùy tiện, hoặc cố gắng mô tả về đầu tóc và quần áo (vẫn của các “sao”) mà không còn liên quan gì đến âm nhạc nữa..        

cuối năm, dân làm nhạc thị trường cả trong nam lẫn ngoài bắc vẫn mải loay hoay với mấy dạng bài hát yêu đương sướt mướt, các đài truyền hình và đài phát thanh liên tục tung hô những chương trình ca khúc tuy gọi là rôm rả, nhưng vẫn chỉ xoay quanh câu chuyện của hai người yêu nhau

cũng cuối năm, giới “chơi” nhạc chuyên nghiệp (nhạc không lời, còn gọi là khí nhạc) vẫn tự gò mình vào cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” và tự coi là “hàn lâm” của (âm nhạc) cổ điển. Các dàn nhạc giao hưởng vẫn chơi đi chơi lại dăm ba chương trình nhạc “thính phòng giao hưởng” du nhập từ Châu Âu cách đây đã vài trăm năm, cách họ biểu diễn đã mòn, lối họ chơi nhạc đã cũ, sự mệt mỏi đã lộ dần sau những đêm công diễn rập khuôn, vô hồn, khô cứng..

thế giới đã hẳn sang thế kỷ 21 rồi, và đương nhiên, chúng ta cũng đang sống trong thế kỷ mới, vậy mà dân nhạc thị trường vẫn mãi chỉ những chuyện yêu đương, giới nhạc không lời vẫn loay hoay ca ngợi nền cổ điển (vốn đã định hình ở Châu Âu từ thế kỷ 18), mà (có lẽ, họ) quên mất rằng xung quanh ta, bên cạnh ta, có rất nhiều quan niệm, nhiều công thức, nhiều sự việc, đã thay đổi và đi xa lắm rồi..

chiều cuối năm, nhìn qua cửa sổ thấy trời tối sớm, viết bài xong tôi lại tìm đọc tin, mở bất kỳ một trang nào trên mạng, vào bất kỳ một bài nào trong báo, cũng đầy không khí mùa xuân, những tin tức về sự thành công, phát triển, và hội nhập của cả nước trong năm qua, lại những chuyên mục về âm nhạc, và cả cuộc sống âm nhạc thực, thì vẫn còn loanh quanh mãi..

mùa xuân sắp đến, nhu cầu hội nhập cũng gần rồi..

08.01.2006